Ai phán xét “Giáo hoàng” ?

Đăng lúc: Thứ ba - 19/04/2022 21:41 - Người đăng bài viết: admin
Không, không ai có quyền đó cả, trừ phi đó là Chúa.

 

 

Nhà vật lý hạt nhân người Ý Enrico Fermi tại trường ĐH Chicago vào năm 1946. Nguồn: AP

Sau sự kiện hai quả bom Little boy và Fat man được ném xuống Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8/1945, Enrico Fermi nhận được thư của chị gái Maria từ Ý, người ông chưa được gặp kể từ năm 1938. Mặc dù được ngưỡng mộ và trọng vọng trên khắp thế giới, ông vẫn phải cam chịu những lời chỉ trích đau đớn của bà: “Chị khuyên em hãy đến bên Chúa, chỉ riêng Người mới có thể phán xét em về mặt đạo đức”. Mãi tới tận năm 1949, khi trở về Ý dự Hội nghị Como, ông có dịp gặp lại chị mình, ngưỡng mộ lòng quả cảm của bà bởi bà đã bất chấp sự đe dọa tính mạng, cố cứu giúp sáu người Do thái và cả bố vợ ông là Đô đốc Capon. Cố giải thích cho bà hiểu về sự tham gia của mình trong dự án Mahattan nhưng vô hiệu, ông không thể thuyết phục được bà.

Thật sự là thế giới đã vĩnh viễn thay đổi sau sự kiện thảm khốc này, ngay cả thế giới khoa học cũng rúng động và chia rẽ. Nhà vật lý Franco Rasetti, bạn thân của Giáo hoàng hồi còn ở Ý, đã không thể tha thứ và cho rằng cùng với những nhà khoa học khác, bạn mình sẽ phải đối mặt với sự phát xét của lịch sử (Rasetti từ chối tham gia dự án Mahattan vì sớm dự cảm về tác động của nó).

Nhưng rút cục thì “Chiến tranh hay khoa học có lỗi? Các nhà khoa học có nên dừng công việc một khi họ nhận ra có thể tạo ra một quả bom có sức phá hủy vô vàn? Họ có thể ngăn chặn được nó không? Và liệu luôn có chiến tranh trong tương lai? Đối với những câu trả lời như thế, không hề có câu trả lời đơn giản” – Laura Fermi giãi bày như vậy sau khi đã trở thành bà quả phụ Enrico Fermi.

Fermi có ngây thơ về chính trị? Không chắc lắm nhưng người ta biết rõ một điều, hơn ai hết, Enrico Fermi luôn có thiên hướng tách vật lý khỏi chính trị cũng như những thứ mà ông coi là ảnh hưởng đến công việc, sau những gì từng nếm trải và khéo léo vượt qua dưới thời Musollini nắm quyền, đào thoát bí mật khỏi nước Ý phát xít ngay sau lễ trao giải Nobel năm 1938 và chứng kiến những đau thương của chính sách bài Do Thái (vợ ông là người Do Thái). Việc tham gia vào dự án Mahattan của ông, theo nhận xét của Gino Segrè và Bettina Hoerlin, hai tác giả cuốn sách Giáo hoàng vật lý, Enrico Fermi và sự ra đời của thời đại nguyên tử là từ sự tận tâm với khoa học và nhu cầu khám phá những điều phức tạp của nó“Vật lý mới là quan trọng, và miễn sao có thể theo đuổi công việc nghiên cứu mà không bị can thiệp quá mức, mọi thứ khác không liên quan”, quan điểm sống và làm việc của Fermi, và của Các chàng trai Phố Panisperna vào những năm 1920, là điều nằm lòng của ông.

Ở tầm nhìn khoa học của mình, Fermi với biệt danh Il Papa (Giáo hoàng), được nhóm Những chàng trai Phố Panisperna đặt năm 26 tuổi bởi trực giác không thể sai lầm, đã sẵn có “một con đường riêng bên trong đến thẳng với Chúa”. Cái trực giác không thể sai lầm và sự tận tụy với khoa học ấy đã đem đến cho Fermi những nguyên lý, phương trình, hạt mang tên ông… và do đó, một vị trí huy hoàng đặc biệt trong thế giới vật lý, vốn dĩ quá chật chội vào nửa đầu thế kỷ 20 với sự hiện diện của những người khổng lồ như Albert Einstein, Niels Bohr, Paul Dirac, Wenger Heisenberg, Wolfgang Pauli, Erwin Schrödinger. Nhưng những người khổng lồ trong “tháp ngà khoa học” đó thì ảnh hưởng gì đến cuộc sống phong phú ở bên ngoài? “Nếu không hiểu nguyên lý loại trừ Pauli, cơ học lượng tử và thống kê Fermi-Dirac, thế giới sẽ không thể sản xuất ra chất bán dẫn, transistor, máy tính, máy chụp cộng hưởng từ, laser và rất nhiều phát minh khác định hình cuộc sống con người. Theo một ý nghĩa rất thực tế, tất cả chúng ta đang sống trong thế giới do họ sáng tạo ra”, ngay cả sau gần thế kỷ (trích Giáo hoàng vật lý). Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên trang web của trường Đại học Pennsylvania, nơi bà giảng dạy 16 năm, Bettina Hoerlin đánh giá thêm “Tôi nghĩ một trong những điều về Fermi là ông ấy đã thực sự định hình tương lai của chúng ta theo cách không nhiều nhà khoa học làm được”.

Thế giới đã thay đổi khi Fermi và những người khổng lồ khác trong nửa đầu thế kỷ 20 đi theo một xu hướng mới: thay vì thám hiểm thế giới vật chất về mặt địa lý với những lục địa và những đại dương như các bậc tiền nhân như Ferdinand Magellan, Christopher Columbus… trong vài thế kỷ trước, họ đi sâu khám phá thế giới vật chất vi mô, phát hiện ra những lực, những hạt chi phối vũ trụ và tìm thấy cả những nguyên tố hóa học mới. Giữa những người đó, Fermi là người duy nhất đi từ lý thuyết đến thực nghiệm, làm chủ được chuỗi phản ứng hạt nhân dây chuyền, chứng kiến quá trình hoạt động của nó trong lò phản ứng đầu tiên trên thế giới Criyical Pile 1 (lò tới hạn số một CP-1). Hơn ai hết, ông là người bao quát mọi chu trình và những việc cần làm để công việc tiến triển nhưng vẫn giữ lò phản ứng CP-1, vốn được đặt trong khuôn viên sân chơi thể thao trường Đại học Chicago, bí mật với mọi người bởi “nếu người ta nhìn thấy những gì chúng ta đang làm với một triệu rưỡi đô của họ, họ sẽ nghĩ chúng ta bị điên. Nhưng nếu họ biết tại sao chúng ta làm việc này, chúng ta sẽ bị lộ”.

Thời khắc lò phản ứng này đạt tới điểm tới hạn, dù “chỉ tạo ra công suất tối đa nửa watt, chưa chắc đã đủ để làm sáng được một chiếc đèn pin” nhưng đã mở ra một chương mới cho thế giới, đồng thời đủ sức tạo ra chất kết dính Fermi với dự án Mahattan không lâu sau đó. Nhiệm vụ mới của ông ở đó là cầm lái con thuyền trong cuộc chạy đua với những đồng nghiệp Đức để chế tạo một quả bom hạt nhân,

 


Từ trái qua phải, các nhà vật lý Pauli, Heisenberg và Fermi. Nguồn: scarc.library.oregonstate.edu/

Và kết cục của nó, như chúng ta đã biết. Giáo hoàng có thể phớt lờ tất cả? Chúng ta chỉ có thể phần nào nhìn thấu Fermi qua lời nhận xét của Leona Woods, cộng sự của ông: “Có lẽ, người có ảnh hưởng nhất trong cuộc đời tôi là Enrico Fermi, không chỉ về mặt khoa học mà còn về mặt triết học. Ông nêu gương về cách ứng xử tốt nhất với người khác, cách lường trước sự thay đổi, cách chịu đựng nỗi phẫn uất và sự sỉ nhục của thế giới, cách đương đầu với những dằn vặt tinh thần không thể tránh khỏi bởi những thử thách lớn và cái chết”.

Việc theo bước chân thiên tài, ở góc độ này hay góc độ khác, đã ẩn chứa sự hấp dẫn nhưng với một cuốn sách dày gần 500 trang, nếu chỉ dừng lại ở việc mô tả những công trình và những đóng góp lớn  của thiên tài trong một lĩnh vực thì cũng không thể vượt qua phạm vi thể loại sách phổ biến khoa học. Không ai hoài nghi tài khéo của giáo sư vật lý Gino Serge và vợ ông, tiến sĩ chính sách khoa học Bettina Hoerlin, trong việc kể lại và lý giải rành rẽ một chuỗi những câu chuyện phức tạp, đan cài bện chặt giữa khoa học – chính trị – xã hội bằng tư duy mạch lạc, lối hành văn khúc chiết và giản dị vốn có của nhà nghiên cứu. Bản thân những câu chuyện đó đã đủ sức “giữ chân” một số người nhưng không nghi ngờ gì nữa, chính các chi tiết vụn vặt đời thường, các yếu tố rất con người – đời sống nội tâm, suy nghĩ, dằn vặt, hạnh phúc, mất mát… – mà họ đưa vào sách lại là điều làm Giáo hoàng vật lý trở nên cuốn hút hơn với rất nhiều người khác. Chân dung của Fermi trở nên sống động hơn và sáng rõ hơn bởi sự đan cài của những chi tiết trong và ngoài khoa học.

Ở góc độ này, hiếm ai có nhiều tư liệu sống động được hơn Gino Segrè – cháu của Emilio Segrè, học trò và là cộng sự thân thiết của Fermi từ ngày còn ở Ý, và Bettina Hoerlin – con gái của nhà vật lý người Đức tham gia dự án Mahattan Hermann Hoerlin khi còn nhỏ đã nhiều lần được tiếp xúc với Fermi. Nhưng bản tính của những người làm khoa học còn đưa họ theo bước chân của Giáo hoàng qua ký ức của những người trong gia đình và những người từng biết ông cùng những nguồn tư liệu phong phú khác, như Gino Segrè chia sẻ trong lời bạt cuốn sách. Kết cục là trong bài điểm sách trên Physics Today ngay khi nó mới ra đời vào năm 2016, Catherine Westfall, nhà sử học vật lý của trường đại học Michigan đánh giá “Cuốn sách chứa đựng những cái nhìn xuyên thấu mới mẻ vào bức tranh chân dung sâu sắc về một vĩ nhân”.

Nhưng có lẽ, điều làm người đọc không thể rời Giáo hoàng vật lý cũng còn do một nguyên nhân khác, đó là sự xếp đặt vừa khéo chân dung của Fermi bên cạnh chân dung của những người khác, dẫu có thể chỉ là điểm họa vài ba nét chấm phá nhưng không vì thế lại trở nên nhạt nhòa… Ngược lại, theo cách đó, xen kẽ giữa các đột phá khoa học trong thời kỳ vật lý hạt nhân làm rung chuyển thế giới, người ta biết thêm được những khía cạnh khác của Niels Bohr – một nhà nhân văn “không có mối quan tâm lớn nào của con người mà Bohr thờ ơ”, đã nỗ lực tìm cách giữ bí mật khám phá cho Lisa Meitner và Otto Frisch, cháu bà; Eugene Wigner gần như nước mắt lưng tròng vì sợ hãi Đức Quốc xã có thể về đích trước trong chế tạo thành công quả bom nguyên tử đầu tiên; hay Lisa Meitner tài năng và hẩm hiu trốn chạy Đức Quốc xã rồi bị tước mất cơ hội giành giải Nobel; thiên tài bí ẩn Ettore Majorana, Đại Phán quan trong nhóm Những chàng trai Phố Panisperna, người giải thích được thí nghiệm của Curie-Juliot và người duy nhất đọ sức được với Giáo hoàng về khả năng tính toán, đột ngột biến mất sau một chuyến phà từ Naples đến Palermo vào ngày 25/3/1938…

Tạm xếp công thức sang một bên và treo cái áo phòng thí nghiệm lên, những nhà triết học của tự nhiên ấy vụt trở nên dễ hiểu và gần gũi hơn với hậu thế.

 



***

Nhưng rút cục, di sản của Fermi để lại, ngoài tất cả những thứ đó, là gì? Nếu đặt chân vào địa hạt cơ học lượng tử, vật lý hạt nhân, hóa học phóng xạ, vật lý hạt…, nơi nào các nhà khoa học hậu sinh cũng thấy tấm biển chỉ đường của ông, còn những người khác, khi tìm hiểu về ông đơn thuần vì sự tò mò, có thể thu được gì ? Đó là có quá nhiều bài học hữu ích rút ra từ cuộc đời Fermi: sự tận tụy với khoa học, tinh thần say mê, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong công việc và cả sự nhất quán của ông “tôi chưa bao giờ thấy Fermi thay đổi, từ khi còn là sinh viên ĐH Columbia, khi tôi tham gia cộng tác với ông ấy, đến thời điểm tại Los Alamos, và cả thời gian sau đó. Dường như Fermi luôn là Fermi!”, như lời Bob Wilson, người từng được Fermi nhận ra tài lãnh đạo và đã tận dụng thế mạnh đó xây dựng Phòng thí nghiệm Máy gia tốc quốc gia đặt tại chính Chicago, sau mang tên Fermilab để tỏ lòng kính trọng ông.

Với sự thanh thản gần như siêu phàm trong những ngày cuối đời, Fermi điềm tĩnh đón nhận cái chết đến. Giáo hoàng vẫn luôn là Giáo hoàng, kể cả trên giường bệnh. Hành động đo dưỡng chất truyền cho mình bằng cách đếm từng giọt với đồng hồ bấm tay của ông gợi người ta nhớ tới giây phút trong vụ thử nghiệm bom nguyên tử Trinity mà Emilio Segrè mô tả là “đốt cháy cả bầu khí quyển”: ông bình thản xé một tờ giấy lớn thành nhiều mảnh rồi vung tay rắc chúng ra trước khi sóng xung kích ập đến 40 giây sau để ước tính sức công phá của vụ nổ theo cách của mình.

Có lẽ, tất cả những điều đó, người đọc khó có thể cảm nhận được trọn vẹn nếu Giáo hoàng vật lý, Enrico Fermi và sự ra đời của thời đại nguyên tử không được viết bởi những nhà khoa học và sau đó không được hai người làm nghiên cứu khác là Phạm Văn Thiều và Phạm Long dịch ra tiếng Việt. “Có nhiều nguyên nhân để yêu Giáo hoàng vật lý, Enrico Fermi và sự ra đời của thời đại nguyên tử. Đó là tinh thần nhân văn, sự sắc sảo về mặt khoa học, và được viết một cách đẹp đẽ. Và thực sự là một cuốn biên niên sử về một cuộc đời!”, Catherine Westfall đã thốt lên như vậy.

Vậy thì, tại sao không thể ghi thêm cuốn sách này vào danh sách phải/cần đọc, thậm chí phải/cần đọc lại?

Tác giả bài viết: Tô Vân
Nguồn tin: Tia Sáng

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin tức cập nhật

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 4
  • Khách viếng thăm: 2
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 1189
  • Tháng hiện tại: 44630
  • Tổng lượt truy cập: 25384286