Vẽ Kiều

Đăng lúc: Chủ nhật - 15/01/2023 22:05 - Người đăng bài viết: admin
Bình luận, chứng minh, phân tích rạch ròi khoa học bài thơ này hay ở chỗ nào về câu, chữ, chấm, phẩy… cũng chỉ đạt đến 99,9% thôi. 0,1% còn lại là bất khả thi và bất khả giải. Vì đó là vương quốc bí mật của Chúa, đó là món quà quý giá mà Đấng tạo hóa ban tặng riêng cho nghệ thuật. Tất nhiên người ta có thể nhận ra 0,1% ấy bằng cảm. Chỉ cảm được mà thôi. Với Truyện Kiều và những bức tranh vẽ Kiều cũng vậy, dù có thấu được ngôn nội lẫn ngôn ngoại đến mấy thì cũng vẫn phải là cảm nhận.

“Chém cha cái số hoa đào/Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi”.

Quê tôi cách Hà Nội ba chục cây, xã Thanh Cao, Hà Tây cũ, ven sông Đáy. Tháng trước tôi về quê thăm bà, bà đã ngót trăm tuổi. Dù về cả buổi hay chỉ vài tiếng, bao giờ tôi cũng ngồi đọc Kiều cho bà nghe. Nhớ những ngày chạy bom Mỹ, về quê sơ tán, cách đây hơn nửa thế kỷ, bà đọc Kiều ru anh em tôi trong hầm trú ẩn đào giữa bụi tre. “Trăm năm trong cõi người ta” lẫn vào tiếng bom, tiếng máy bay B52. Cuối tháng 1/1973, Hiệp định Paris ký, gia đình tôi xin phép bà trở về Hà Nội. Bà khóc bảo: “Những tháng năm đạn bom sống chết ở với bà, cái Tết hòa bình sắp đến thì lại đi à?” Thế là chúng tôi ở lại ăn Tết Quý Sửu với bà đến tận hôm mùng ba hóa vàng xong mới đi, bà tiễn lên đầu đường và thầm thì:

Tẻ vui bởi tại lòng này

Hay là khổ tận đến ngày cam lai”.

Rông dài thế để thấy tôi thuộc và thích Kiều tự nhiên thôi. Bà tôi cũng vậy, thuộc Kiều là do cha mẹ đọc cho nghe từ nhỏ chứ hồi cuối 1945, tham gia Bình dân học vụ chỉ đủ thuộc mặt chữ. Đã vài ba bận định vẽ Kiều nhưng đều dở dang không thành. Thuộc, thích rồi còn phải tự phân tích để hiểu nữa. Sở dĩ lần này có thể vẽ Kiều được vì với truyện Kiều, người vẽ đã đi qua những đoạn trường nào đó thì nhập vào Kiều dễ hơn chăng? Có nghĩa rằng trước tiên tôi/ người vẽ là người đọc đã. Khi đọc được vẻ đẹp của câu chữ, cảm xúc sẽ bùng lên, cảm xúc ấy sẽ gọi hình gọi mầu về. Tuy nhiên trước khi vẽ, họa sỹ nên tự định nghĩa vẽ một bức tranh hoặc minh họa dựa trên những tác phẩm văn chương, thi ca là gì? Vẽ Kiều là gì? Truyện Kiều là ga khởi hành nhưng đích đến dứt khoát phải là hội họa, phải là vẻ đẹp của chữ nghĩa đã được chuyển soạn thành vẻ đẹp của ngôn ngữ tạo hình. Nếu không làm được vậy thì vô tình sẽ giết chết cả thi ca lẫn hội họa. Vẽ Kiều là dịch Kiều từ thơ sang hội họa, là phổ họa vào Kiều như nhạc sỹ phổ nhạc một bài thơ, như Kiều ca của nhạc sĩ Phạm Duy, opera Kiều của Trần Quảng Nam. Một bức tranh Kiều đẹp sẽ nói được cả những điều dưới mặt chữ…


Vẽ Kiều nếu không “lập cước” riêng trước khi ngồi xuống với tấm toan thì sẽ không dám vẽ vì các bậc thầy từ thế hệ họa sỹ Đông Dương đến thế hệ sau đều đã đi qua Kiều, đều đã có nhiều tác phẩm đẹp về Kiều. Các bộ tứ Trí Vân Lân Cẩn, Phổ Thứ Lựu Đàm, Nghiêm Liên Sáng Phái rồi Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị, Lê Văn Đệ, Nguyễn Văn Tị, Tạ Thúc Bình, Mạnh Quỳnh, Lưu Văn Sìn, Tôn Thất Đào, Mai Long, Lê Lam… mỗi người vẽ Kiều một kiểu do mỗi người có cách đọc Kiều riêng.

Cụ Nguyễn Du khi sang Tàu đã mang cuốn tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều của Thanh Tâm tài tử về, rồi viết chữ Nôm thành truyện thơ lục bát Thúy Kiều. Từ văn xuôi thành thơ, thể thơ 6-8 thuần Việt. Cốt truyện ấy trở thành cái vỏ, cái áo, gốc thành ngọn là do “cách kể” của cụ Nguyễn. Cốt truyện chỉ là đề tài mà nghệ thuật là ở cách kể, cách vẽ đề tài ấy thế nào chứ không hẳn nằm ở đề tài. Những “ngồi tót, vắt nóc, nông sờ, ăn đứt, nện sương…” là chữ Việt. Cách nghĩ, cách nói cũng là phong hóa của người Việt. Ở ngay câu đầu:

“Trăm năm, trong cõi người ta

Chữ tài, chữ mệnh, khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Lạ gì bỉ sắc, tư phong

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”.

Nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến cho rằng: đó là cách nói cách nghĩ rất Việt, nói mát, mỉa mai, dè bỉu.

Hoặc câu:

Một nhà chung chạ sớm trưa

Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng”.


Trước cụ Nguyễn Du cho đến tận hôm nay chưa ai coi lòng cũng là tâm. Đạo Phật là đạo tu tâm, thì đã đành nhưng tư duy lòng, tư duy bụng, bụng dạ, tấm lòng rất Việt. Đạo Phật ở người Việt là đạo tu lòng!

Chữ “lòng” đầu tiên xuất hiện ngay đoạn mở: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” và chữ “lòng” cuối cùng là ở câu kết: “Thiện căn ở tại lòng ta”. Trong 3254 câu của Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du dùng đến 175 chữ “lòng”: ướm lòng, não lòng, nể lòng, nặng lòng, lấy lòng, tạ lòng, cầm lòng, dứt lòng, cháy lòng, lòng xuân, thưa thớt lòng… (xem phụ lục cuối sách). Để giải quyết được chuyện muôn thuở ở “cõi người ta” là chuyện “đau đớn lòng” thì trong không gian tư tưởng nhà Phật của tác giả cũng như truyện chỉ có mỗi cách “ngoái đầu là bờ”, quay về với chính “bản lai diện mục của mình”, “thiện căn ở tại lòng ta” chứ chả tận  đẩu đâu cả. Nếu giả sử chỉ được chọn một chữ để có thể chứa đủ toàn bộ nội dung, tư tưởng và nghệ thuật của Truyện Kiều thì đó chính là chữ “lòng”. Chính thế nên cụ Tố Như thay vì lấy lại tên Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Tử, cụ đặt tên khác là Đoạn Trường Tân Thanh, một tiếng kêu mới đứt lòng. Mà đâu chỉ với nghệ thuật, sự tồn tại của toàn bộ vũ trụ này, cõi người này là ở lòng nhân thôi.


Ấy là chưa kể,

Cụ Nguyễn đã Việt hóa Kiều đến thế, đã “chắp nhặt lời quê” đến thế thì khi vẽ sao cứ ép Kiều phải mặc áo quần Trung Quốc, ở nhà Trung Quốc, ngồi bàn ghế Trung Quốc, cho dù đồ gỗ Minh là một đỉnh cao của thế giới. Tôi vẽ Kiều của tôi mặc yếm đào, khăn mấn, khăn mỏ quạ, đội nón…

Thêm một điều nữa, thơ sao vẽ vậy cũng hay nhưng chỉ hợp với những câu tả cảnh, tả người kiểu như:

“Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”,

“Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”,

“Râu hùm hàm én mày ngài”,

“Rõ ràng trong ngọc trắng ngà

Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên”…

Còn những câu tả ý, tả tâm trạng, tả tình thì khó vẽ hơn. Tôi chọn cách vẽ ước lệ, tối giản cho Kiều.

Ví dụ bức Tương tư, Kiều và Kim Trọng không lúc nào mà không nhớ tới nhau nhưng lại không được gặp.

“Sông Tương một dải nông sờ

Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia”.

Tôi vẽ chân dung Kiều và Kim ngược nhau, mỗi nhân vật ở một đầu tranh và có một dòng sông ước lệ bằng bốn nét như bốn sợi dây đàn nguyệt chảy ngang qua khuôn mặt họ.

Ở một bức khác, Bạc Bà lừa gả Kiều cho cháu là Bạc Hạnh, tên này bán Kiều vào lầu xanh, đến nỗi này thì cụ Nguyễn Du tức quá, đành phải chửi:

“Chém cha cái số hoa đào

Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi”.

Chửi là chửi cái số phận, mệnh kiếp đã đẩy Kiều vào “cuộc bể dâu”, vào thanh lâu lần hai. Tôi vẽ Kiều đội nón che nửa mặt, một con mắt bay trên nền trời mầu hồng đào bích như muốn hỏi sao phận số của những người tài sắc lại truân chuyên thế? Phần thân của Kiều được tạo hình bằng những nét mảnh như sợi dây trói buộc…

Thêm một bức nữa, ở đoạn Kiều khóc bên mộ Đạm Tiên:

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

Cái sự mệnh bạc luôn đeo bám những kẻ tài sắc, nhưng đâu chỉ với đàn bà mà là những người tài nói chung. Tiếng kêu khóc của Kiều là dành cho tất cả.

Thơ sao vẽ vậy cũng hay nhưng chỉ hợp với những câu tả cảnh, tả người kiểu như:

“Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”,

“Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”,

“Râu hùm hàm én mày ngài”,

“Rõ ràng trong ngọc trắng ngà

Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên”…

Còn những câu tả ý, tả tâm trạng, tả tình thì khó vẽ hơn. Tôi chọn cách vẽ ước lệ, tối giản cho Kiều.

“Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” có lẽ câu thơ tê buốt này Nguyễn Du viết cho chính mình? Tôi vẽ một bức tranh chân dung cụ Tố Như lồng trong khuôn mặt Thúy Kiều. Cụ sinh năm 1765, mất năm 1820, thọ 55 tuổi, mệnh bạc quá! Nửa sau thế kỷ 18, đến khi cụ qua đời là một giai đoạn lịch sử đầy biến động Lê mạt, Nguyễn sơ, chúa Trịnh át vua Lê, Trịnh Nguyễn phân tranh, nhà Mạc chưa tận, phong trào Tây Sơn, rồi giặc Thanh xâm lược… Cụ và cả đại gia đình ăn lộc vua Lê cho nên vua Gia Long ba lần cho người về Hồng Lĩnh mời, cụ mới nhận lời ra làm quan nhà Nguyễn… đi cũng dở ở không xong. Giai đoạn lịch sử này đã đẩy những kẻ sỹ như cụ Tiên Điền vào thế tiến thoái lưỡng nan khi phải quyết định xuất xử sao cho phải hoặc ít ra thì cũng phải định nghĩa lại đạo trung cho riêng mình. Âu cũng là mệnh, mệnh tài ghét nhau. Trong truyện Kiều, có nhiều câu mà người đọc có thể đoán đó là tâm sự của Nguyễn Du:

Bó thân về với triều đình

Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu”.

hoặc

Vui là vui gượng kẻo mà

Ai tri âm đó mặn mà với ai”…

Mở đầu truyện Kiều bằng một slogan cười mỉa:

“Trăm năm, trong cõi người ta,

Chữ tài, chữ mệnh, khéo là ghét nhau”.

Đoạn kết, nhắc lại và nhấn mạnh:

“Có đâu thiên vị người nào

Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai”.

Thi trung hữu họa, nhất thi nhất họa là một truyền thống của mỹ thuật Á Đông – Việt Nam. Ngoài việc được nhiều nhà thơ mời minh họa cho tác phẩm của họ, tôi đã từng thực hiện những dự án Thơ gốm 2017, viết thơ của những nhà thơ Việt Nam hiện đại lên gốm Bát Tràng; Kinh gốm 2020, viết thơ thiền Lý Trần lên gốm Hương Canh, Phù Lãng, Thổ Hà, Bát Tràng; Về Bến lạ 2021, vẽ tranh và gốm trên cảm hứng thơ của thi sỹ Đặng Đình Hưng. Nay là Vẽ Kiều với triển lãm và cuốn sách cùng tên. Thêm nữa, mỗi bức tranh Vẽ Kiều sẽ có một bài thơ ngắn của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, sáng tác từ câu thơ Kiều và bức tranh đó hòa thành một bản tam tấu thơ – họa – thơ. Đã có nhiều cuốn Truyện Kiều có phụ bản trong hơn một thế kỷ qua. Vẽ Kiều chỉ là một nét nữa thêm vào bức tranh thi họa đó. Vẽ Kiều gồm 23 bức +1. Thế cũng là nhiều, có thêm nữa cũng chả đủ vì Truyện Kiều là Kinh Lòng của người Việt. Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Tử là tiểu thuyết còn Truyện Kiều, Kinh Kiều của Nguyễn Du là đại thuyết. Hỷ nộ ái ộ, mệnh kiếp duyên nghiệp tâm lòng, tất tần tật có trong đó. Mà Kinh thì chẳng có Kinh nào lại không là tuyệt phẩm văn chương. Nam Hoa Kinh, Đạo Đức Kinh, Dịch Kinh, Phật Kinh, Thánh Kinh… đều là văn cả. Bức +1 không nằm trong nội dung truyện. Tôi vẽ nhân đọc bài Đài chia kinh của thái tử Lương Chiêu Minh, một bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du trong Bắc hành thi tập.  Có câu kết: Chung tri vô tự thị chân kinh (không chữ ấy là chân kinh), trước đó cụ nói “Tôi đã đọc Kinh Kim cương cả ngàn lần”. Cụ Nguyễn là một Phật tử, là người thấu lẽ “không” của Kim Cương Kinh, của thiền, của Phật mà trong Truyện Kiều thì tư tưởng của Thích Ca là xương sống. Đó là lý do tôi chọn bức này vào Vẽ Kiều.

Bình luận, chứng minh, phân tích rạch ròi khoa học bài thơ này hay ở chỗ nào về câu, chữ, chấm, phẩy… cũng chỉ đạt đến 99,9% thôi. 0,1% còn lại là bất khả thi và bất khả giải. Vì đó là vương quốc bí mật của Chúa, đó là món quà quý giá mà Đấng tạo hóa ban tặng riêng cho nghệ thuật. Tất nhiên người ta có thể nhận ra 0,1% ấy bằng cảm. Chỉ cảm được mà thôi. Với Truyện Kiều và những bức tranh vẽ Kiều cũng vậy, dù có thấu được ngôn nội lẫn ngôn ngoại đến mấy thì cũng vẫn phải là cảm nhận.

Tác giả bài viết: Lê Thiết Cương
Nguồn tin: Tia Sáng

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin tức cập nhật

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 65
  • Khách viếng thăm: 4
  • Máy chủ tìm kiếm: 61
  • Hôm nay: 215
  • Tháng hiện tại: 43391
  • Tổng lượt truy cập: 25688280