Chín sự kiện KH&CN Việt Nam năm 2014

Đăng lúc: Thứ sáu - 26/12/2014 12:59 - Người đăng bài viết: admin
 

Khối thượng tầng giàn công nghệ HRD
Ngày 23/12 vừa qua, Bộ KH&CN phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình “Ấn tượng KH&CN Việt Nam năm 2014” bình chọn và công bố chín sự kiện tiêu biểu năm 2014 trong các lĩnh vực như: cơ khí, y dược, nông nghiệp, công nghệ thông tin…
Dưới đây là kết quả bình chọn: 

1)   Hạ thủy giàn xử lý công nghệ HRD và bàn giao xuất khẩu sang Ấn Độ

Giàn xử lý công nghệ HRD nằm trong dự án phát triển mỏ Heera, Ấn Độ, ở mực nước sâu trung bình 50m của chủ đầu tư Oil And Natural Gas Corporation Limited (ONGC) thuộc nước này. Kết cấu giàn xử lý công nghệ HRD bao gồm ba phần chính là: chân đế (jackpot), cầu dẫn (link bridge) và khối thượng tầng (topside). Trong đó, khối thượng tầng nặng 8.400 tấn là phần lớn và phức tạp nhất của dự án hoàn toàn do Tổng Công ty Dịch vụ và Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) của Việt Nam thực hiện. Dự án có quy mô lớn này được thực hiện trong thời gian ngắn (17 tháng) với 2.000 người lao động, 130 nhà quản lý.

Ông Bùi Hoàng Điệp, Phó giám đốc PTSC, cho biết, để hoàn thành dự án đúng tiến độ với chất lượng cạnh tranh, đội ngũ thực hiện đã tự động hóa hoàn toàn trong việc kiểm soát thi công, kiểm soát thiết kế. 

Tuy nhiên, theo ông Điệp, giàn dầu khí do Việt Nam thiết kế là giàn cố định, chưa thể khai thác các mỏ nước sâu. Chính vì vậy, để có thể gìn giữ và bảo vệ chủ quyền biển đảo, theo ông, cần làm chủ công nghệ cơ khí phát triển các giàn dầu khí ngầm có thể khai thác vùng nước sâu hơn, chịu đựng được điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở biển Đông. 

2)   Sản xuất thành công vắc-xin phòng bệnh tiêu chảy Rotavin-M1 

Với việc sản xuất thành công vắc-xin phòng bệnh tiêu chảy Rotavin-M1, Việt Nam là nước thứ hai ở Châu Á và nước thứ tư trên thế giới có thể tự sản xuất vắc-xin phòng chống virus Rota gây bệnh tiêu chảy - một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong ở nước ta. Đây là đề tài khoa học cấp Nhà nước do Trung tâm nghiên cứu vắc-xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC, Bộ Y tế) thực hiện trong gần 18 năm. 

Theo PGS.TS. Lê Thị Luân, chủ nhiệm đề tài, Phó giám đốc POLYVAC, với vắc-xin Rotavin-M1, đây là lần đầu tiên, Việt Nam sản xuất vắc-xin với nguyên liệu đầu vào hoàn toàn chủ động từ chủng virus Rota của người Việt. Vắc-xin Rotavin-M1 có chất lượng tương đương với vắc-xin Rotarix cùng loại của Bỉ nhưng có giá bằng ½ (300.000 đồng/liều) và chỉ bằng 1/3 so với các vắc-xin phòng bệnh tiêu chảy của Rotatic (Anh) và Rotaric (Mỹ). Trong tương lai, nếu vắc-xin này được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, giá thành sẽ chỉ còn 70.000 đồng/liều.

Hiện nay, vắc-xin Rotavin mới được áp dụng trên 53 tỉnh thành và 575/750 huyện với 300.000 liều được sản xuất hằng năm, phục vụ cho các gia đình tự nguyện tiêm chủng. PGS. TS. Lê Thị Luân cho biết, đến năm 2016, với công suất sản xuất vắc-xin tăng lên 3-5 triệu liều/năm mới hi vọng có thể đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, còn để xuất khẩu, cần xây dựng một khu sản xuất với công suất 10-15 triệu liều/năm.

3)   Ghép thành công tụy - thân từ người cho chết não

Vào tháng 3 năm nay, lần đầu tiên, ca ghép đa tạng được thực hiện thành công tại Việt Nam do đội ngũ bác sĩ bệnh viện Quân Y 103 thực hiện. Điều đáng nói là 150 người tham gia thực hiện ca phẫu thuật đều là người Việt Nam. 

Trước đó, bệnh viện Quân Y 103 cũng đã từng thực hiện những ca ghép tim, tụy và thận đầu tiên ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Hoàng Mạnh An, giám đốc bệnh viện Quân Y 103, đồng thời cũng là người thực hiện ca mổ, khó khăn của việc ghép đa tạng lớn hơn gấp nhiều lần so với những ca ghép đơn tạng trước đó do đây là lần đầu tiên, các bác sĩ chưa thể dự đoán được diễn biến miễn dịch của cơ thể người nhận khi ghép hai tạng cùng một lúc và điều kiện về thiết bị còn hạn chế.

Ca ghép đa tạng thành công ở Việt Nam mở ra nhiều cơ hội cho những bệnh nhân bị tiểu đường, suy thận. Với điều kiện hiện nay, theo PGS.TS. Hoàng Mạnh An, chi phí cho một ca phẫu thuật ghép đa tạng như vậy ở Việt Nam nằm trong khoảng 200-300 triệu đồng, chỉ bằng 1/10 - 1/11 chi phí phẫu thuật ở nước ngoài. 

Hiện tại, để thực hiện những ca phẫu thuật ghép tạng, cần sự hiến tặng của những người cho chết não (thường là những người bị tai nạn giao thông) nhưng trung bình, trong 30-50 nạn nhân chỉ có 13-15 người có gia đình đồng ý hiến tặng. 

4)  Thương mại hoá chip điện tử

Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh mới đây vừa thương mại hóa thành công chip điện tử SG8V1. Đây là một trong những kết quả của dự án “Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng” của Bộ KH&CN với tổng kinh phí là 145.756 tỷ đồng. SG8V1 là sản phẩm vi mạch đầu tiên của Việt Nam được bán ra thị trường và có thể phát triển được trên 30 nhóm sản phẩm. Hiện tại, các đơn hàng đặt trên 1.000 chip điện tử SG8V1 có giá là 47.000 đồng/chip và trên 5.000 sản phẩm sẽ có giá là 75.000 đồng/chip.

Ông Ngô Đức Hoàng, giám đốc ICDREC, cho biết, nếu làm chủ công nghệ thiết kế vi mạch, trong tương lai, Việt Nam có thể tiết kiệm 20 tỷ USD thay vì nhập chip điện tử từ nước ngoài.

5)  Việt Nam nhận ba giải thưởng của IAEA trong việc đột biến tạo giống lúa

Đây là giải thưởng do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử (IAEA) kết hợp với Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) triển khai nhằm ghi nhận những cá nhân, tổ chức của các nước thành viên đã có thành tựu trong lĩnh vực đột biến tạo giống ngũ cốc đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo. Thông qua Bộ KH&CN, có ba hồ sơ được gửi đi và đều đoạt giải, trong đó Viện Di truyền Nông nghiệp được trao giải: “thành tựu xuất sắc”.

Với việc gây đột biến giống bằng bức xạ (sử dụng chùm tia gamma tái tổ hợp gene của cây trồng để thu được tính trạng như ý), viện Di truyền Nông nghiệp đã tạo ra được hai giống lúa mới là DT10 và Khang Dân đột biến, có đời sống lâu, chống chịu được sâu bệnh và năng suất cao. Giống lúa DT10 đã được trồng trên 2,4 triệu ha tăng tổng giá trị thu nhập hơn 537 triệu USD so với việc ứng dụng giống cũ và giống lúa Khang Dân đột biến dự kiến sẽ được trồng trên 1,2 triệu ha, tạo ra gần 269 triệu USD cho người nông dân.

6)   Lần đầu trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 

Vào tháng 5 vừa qua, Bộ KH&CN đã tổ chức lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu cho những người có công trình nghiên cứu khoa học cơ bản xuất sắc ở bảy lĩnh vực, bao gồm: Toán, Khoa học máy tính và thông tin, Vật lý, Hóa học, Khoa học Trái đất và Môi trường, Sinh học và Khoa học tự nhiên khác. Hội đồng ngành bao gồm bảy nhà khoa học tiêu biêu biểu cho mỗi ngành và hai giáo sư Ngô Bảo Châu và Pierre Darriulat. Đây là giải thưởng do Tạp chí Tia Sáng đề xuất.

Trong năm đầu tiên, giải thưởng đã được trao cho nhà khoa học GS. Nguyễn Hữu Việt Hưng, lĩnh vực Toán, với công trình “Các đồng cấu giữa các đại số Dickson-Mùi xem như các Moodule trên đại số Steenrod”; và PGS. Nguyễn Bá Ân, lĩnh vực Vật lý, với công trình “Đồng viễn tạo trạng thái lượng tử thông qua các trạng thái W và kiểu W”. 

Theo GS. Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng, giá trị lớn nhất của giải thưởng Tạ Quang Bửu là nâng cao nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của khoa học cơ bản. Tuy nhiên, ông cũng từng trả lời Tia Sáng rằng giải thưởng Tạ Quang Bửu cần có một số điểm thay đổi như: các hồ sơ nên được các tập thể đề cử thay vì tự ứng cử; cần phân biệt các tiêu chí cho giải thưởng chính và giải thưởng trẻ; nên mở rộng đối tượng nhận giải thưởng chính thêm các nhóm, tập thể nghiên cứu xuất sắc.

7)  Hai tạp chí Toán và Vật lý của Việt Nam lọt vào cơ sở dữ liệu Scopus

Hai tạp chí Việt Nam lọt vào cơ sở dữ liệu Scopus bao gồm tạp chí Toán học và tạp chí KH&CN nano của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Các tạp chí này hiện được đồng xuất bản với các Nhà xuất bản Springer (CHLB Đức) và IOP Publishing (Anh) cũng như đã được đưa vào cơ sở dữ liệu Scopus của Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan). 

Mỗi năm, có hơn 1.000 tạp chí nộp hồ sơ để được cơ sở dữ liệu này chấp nhận nhưng hơn một nửa bị từ chối. Việc hai tạp chí Việt Nam lọt vào cơ sở dữ liệu Scopus là sự ghi nhận cho nỗ lực của những nhà khoa học Việt Nam, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hơn cho những tạp chí khoa học khác có thể lọt vào cơ sở dữ liệu này trong thời gian tới.

8)  Làm chủ công nghệ trong công tác đóng tàu quân sự 12418

Nhà máy Ba Son - Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) - đã đóng thành công hai tàu tên lửa tấn công nhanh HQ-377 và HQ-378 (lớp 12418 - Molniya) theo bản quyền chuyển giao của Nga. Tàu trang bị nhiều vũ khí phòng thủ và tấn công như: pháo hạm AK-176, tên lửa hành trình đối hạm Kh-35 Uran (tầm bắn 130 km), hai tổ hợp pháo phòng không bắn nhanh AK-630 và tên lửa đối không tầm thấp.

Việc chủ động và sáng tạo trong đóng tàu quân sự 12418 thể hiện ở công tác tiếp nhận và cung ứng thiết bị, chủ động tìm và chế tạo nguồn nguyên liệu để kịp tiến độ đóng tàu, áp dụng công nghệ thông tin trong việc gia công lắp đặt và áp dụng thiết bị mới - Easy laser trong việc xác định, cân chỉnh, kiểm tra, lắp đặt với độ chính xác cao.

Công trình đã tiết kiệm được cho nhà nước trên 300 tỷ đồng, trong đó do đơn vị đã làm chủ được công nghệ đóng tàu nên đã giảm chi phí thuê chuyên gia khoảng 10 triệu USD. 

9)  Lần đầu tiên tổ chức ngày KH&CN Việt Nam và Tuần lễ KH&CN Quốc gia

Ngày 18/6/2013, Quốc hội đã thông qua Luật KH&CN (KH&CN), trong đó quy định lấy ngày 18/5 hằng năm là “Ngày KH&CN Việt Nam”. Năm nay, lần đầu tiên Ngày KH&CN Việt Nam được tổ chức với chủ đề "KH&CN - Động lực phát triển nhanh và bền vững".

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nhận xét: “Lần đầu tiên những người làm khoa học công nghệ Việt Nam có ngày riêng của họ. Ngày ấy không chỉ nhằm tôn vinh những người làm khoa học mà quan trọng hơn đó là ngày để xã hội biết đến những người làm khoa học, để nuôi dưỡng niềm đam mê, sáng tạo của đội ngũ người làm khoa học trên cả nước và thế hệ trẻ như thanh niên, học sinh, sinh viên.”

 

Để hưởng ứng Ngày KH&CN Việt Nam, hơn 50 tỉnh, thành phố trên cả nước đã tham gia tổ chức các hoạt động thông tin và truyền thông, triển lãm và nhiều nơi đã mở cửa các phòng thí nghiệm để người dân có thể tham quan. Tuy nhiên, các hoạt động được đánh giá là còn thiên về nghi lễ, hành chính và vai trò tham gia của nhà khoa học còn mờ nhạt. Để Ngày KH&CN Việt Nam được tổ chức thành công hơn vào những năm tiếp theo, cần tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân có thể đề xuất ý tưởng, kế hoạch tổ chức từ dưới lên, thay vì các cơ quan quản lý chỉ đạo nhiệm vụ từ trên xuống. 

Tác giả bài viết: Hảo Linh
Nguồn tin: Tia Sáng

Share/Save/Bookmark
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 29
  • Hôm nay: 2261
  • Tháng hiện tại: 119046
  • Tổng lượt truy cập: 24405777